vnexpress.net

Họa sĩ Henry Le: 'Tự do thúc đẩy tôi sáng tạo'

Nghệ sĩ thị giác Henry Le nói về tư duy sáng tạo nghệ thuật dịp lần đầu anh triển lãm tác phẩm ở Italy.

Họa sĩ lần đầu ra mắt triển lãm solo Năng lượng linh hồn ở Venice, Italy, từ ngày 2 đến 12/10. Chương trình dành cho người vào chung kết lần 14 cuộc thi Arte Laguna Prize - sự kiện diễn ra hai năm một lần. Trang Artandinvestments phỏng vấn Henry Le (Lê Hữu Hiếu).

- Anh đến với nghệ thuật như thế nào?

- Tôi được tiếp xúc với nghệ thuật từ bé. Bố tôi từng là một họa sĩ. Sau đó vì hoàn cảnh, phải nuôi sống gia đình, ông buộc chọn một công việc khác. Tôi nhớ lúc lên ba, bốn tuổi, cứ mỗi dịp ngày Tết cổ truyền, bố tôi vẽ rất nhiều tranh để mang đi bán. Ngày đó, tôi thấy chúng đẹp lắm. Đến giờ, tôi vẫn còn cảm giác nguyên vẹn, thậm chí nhớ đến từng chi tiết những bức tranh bố vẽ. Tôi cũng không hiểu sao có quá nhiều thứ tôi rất dễ quên, riêng điều này lại in đậm trong tâm trí tôi đến vậy.

Tôi được bố dạy hội họa, đến năm 14 tuổi bắt đầu đi học vẽ chuyên nghiệp để thi vào đại học kiến trúc. Sau đó, tôi tiếp tục được đào tạo ở trường, liên tục vẽ trong những năm làm nghề kiến trúc.

Nghệ sĩ Lê Hữu HiếuHiếu trên poster triển lãm Năng lượng Linh hồn tại Venice, Italy. Ảnh: Nhân vật cung cấp
 

Nghệ sĩ Lê Hữu Hiếu đang ở Italy chuẩn bị lần đầu ra mắt triển lãm solo "Năng lượng linh hồn" tại Venice, Italy. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Anh sinh năm 1982, sống và làm việc tại Hà Nội. Nghệ sĩ từng triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Năm 2016, anh tham gia Art Basel Miami, phòng tranh Contemporary Art Projects ở Mỹ.

- Khi nào anh nhận ra nghệ thuật không chỉ là đam mê mà còn là sự nghiệp?

- Tôi thích vẽ từ bé đến lúc trưởng thành, chỉ là cách sử dụng kỹ năng vẽ ở các thời điểm hơi khác nhau. Tôi luôn ước mơ trở thành một kiến trúc sư, từng học và làm việc trong ngành này khoảng hơn 10 năm. Sau đó, tôi nhận ra việc làm kiến trúc chưa thực sự phù hợp với bản thân. Một cách tự nhiên, tôi dần đi sâu hơn vào hội họa, sắp đặt, trình diễn... Tính đến hiện tại, tôi làm nghệ sĩ tròn 10 năm. Nói nghệ thuật trở thành sự nghiệp tôi nghĩ chưa hẳn đã đúng, mà tôi coi đó là cuộc đời - một cuộc đời tôi sẽ đi đến tận cùng. Ngoài ra, những điều khác với tôi không có nhiều ý nghĩa lắm.

- Anh chọn chủ đề ra sao khi sáng tạo?

 

Tôi không chọn một chủ đề cụ thể và bám theo nó, giống như con người tôi vậy. Tôi sống tự do và làm mọi điều theo cơ thể mách bảo, ăn khi đói, ngủ khi buồn ngủ và thức giấc khi cơ thể thấy đủ. Các đề tài thường đến bất chợt nhưng quá trình diễn giải, đi sâu vào thì rất lâu.

H3- Tác phẩm sắp đặt Sự song song của các thời gian đang thực hiện tại xưởng của Hiếu

Tác phẩm sắp đặt "Sự song song của các thời gian", thực hiện tại xưởng của Lê Hữu Hiếu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tôi chia qua quá trình sáng tác thành hai mảng. Khi bắt đầu vẽ, tôi thường giữ nhịp cơ thể ở trạng thái sung mãn, giàu năng lượng nhất. Một năm, tôi sẽ dành bốn tháng vẽ tranh, khi tôi cảm giác mọi thứ trong cơ thể và xung quanh thoải mái nhất. Tôi chuyển dần cơ thể sang trạng thái bán vô thức (chìm hẳn vào việc không suy nghĩ khi bắt đầu vẽ). Những tác phẩm tốt nhất thường rơi vào lúc tôi vô thức nhất khi vẽ.

Mảng tiếp theo là ở tư duy các tác phẩm sắp đặt. Mảng này tôi sẽ dành phần thời gian còn lại trong năm để thực hiện. Công việc này đòi hỏi lượng kiến thức lớn, đa dạng theo chủ đề theo đuổi. Ví dụ, làm một bộ tác phẩm về lịch sử thì phải tìm hiểu kỹ, đọc nhiều tài liệu, cần sự tham vấn của các nhà sử học. Tôi sẽ đi đến những nơi từng diễn ra những sự kiện, tìm hiểu về con người cũng như văn hóa ở những vùng đất đó, tìm kiếm những dạng chất liệu phù hợp... Sau đó sẽ là quá trình thử nghiệm chất liệu, tìm tòi hình thức cho các tác phẩm.

- Anh chịu ảnh hưởng từ những nghệ sĩ nào?

- Tôi ngưỡng mộ Antoni Tàpies - họa sĩ, nhà điêu khắc người Tây Ban Nha - và học được nhiều điều từ ông. Cách ông áp dụng tinh thần văn hóa Á Đông vào tác phẩm từng ảnh hưởng tích cực đến tôi giai đoạn đầu. Nhưng nếu tôi chọn một người từ quá khứ để được gặp, đó là Marco Polo. Dù Marco là thương gia - nhà thám hiểm, với tôi, ông là một nghệ sĩ. Tôi đã đọc và xem nhiều tài liệu về ông. Quá trình nghiên cứu về Marco Polo cho tôi một cảm giác tự do, có thể đến mọi nơi, làm được mọi việc mình thích. Tôi nghĩ sống một đời tự do cũng là cách tôi được gặp ông hàng ngày.

- 10 năm theo đuổi nghệ thuật khiến anh thay đổi ra sao?

- 10 năm qua là một quãng thời gian quý báu, giúp tôi định hình con người, quan điểm với thế giới, đạo đức, đặt nền móng cho khát vọng. Việc tôi từ bỏ sự nghiệp kiến trúc sư, chuyển sang làm một nghệ sĩ thị giác không đến một sớm một chiều. Khi còn là kiến trúc sư, quá trình tạo ra tác phẩm không làm tôi thỏa mãn. Tôi không cảm nhận được tự do, cách sống tự nhiên, gần như bản năng của mình. Tôi bị gò bó, giới hạn. Trong khi đó, việc thử nghiệm nghệ thuật ban đầu là sở thích, về sau càng chiếm nhiều thời gian, khiến tôi thấy khoái trá với hình ảnh, hình thức, chất liệu. Kể cả khi thất bại, tôi cũng thấy thỏa mãn.

H2- Không gian xưởng của nghệ sĩ tại Hà Nội

Không gian xưởng của nghệ sĩ Lê Hữu Hiếu tại Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

- Kế hoạch tương lai của anh?

- 5 năm tới, tôi sẽ tham dự triển lãm nghệ thuật tại Venice Biennale và Documenta 15, đồng thời hướng đến một số triển lãm lớn trên thế giới. Năm 2022, tôi sẽ xây dựng một studio mới có diện tích khoảng 3.000m2, tôi cần một không gian lớn để thực hiện tiếp những dự án đang ấp ủ. Tôi hy vọng tình hình Covid-19 bớt phức tạp để tôi hoàn thành các dự định của.

https://vnexpress.net/hoa-si-henry-le-tu-do-thuc-day-toi-sang-tao-4364557.html